Ủy ban nhân dân thành phố
Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, cũng là nơi tham quan của nhiều du khách trong và ngòai nướcTòa nhà được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng hòa gọi là Tòa đô chánh Sài gòn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Từ sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Tòa nhà có cấu trúc khá đơn giản nếu nhìn về đại thể. Phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối. Hai phía trái, phải tòa nhà thấp hơn một chút. Phần trang trí, ngoài các họa tiết, có 3 bức tượng đắp nối theo các điển tích phương Tây. Bên trong, mỗi phòng được trang trí theo một cách khác nhau. Phía trước tòa nhà là tượng đài Bác Hồ là nơi làm lễ dâng hoa trước các sự kiện quan trọng của Thành phố,
Nhà hát thành phố
Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh (hay thường được gọi ngắn gọn là Nhà hát Thành phố, hoặc Nhà hát Lớn) là một nhà hát có mặt tiền hướng ra Công trường Lam Sơn và đường Đồng Khởi Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở một vị trí thuận lợi tại trung tâm thành phố, Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn. Đây là một công trình kiến trúc đặc biệt, mang đậm phong cách Gothique thịnh hành tại Pháp cuối thế kỷ 19, và được xem như một địa điểm du lịch.
Năm 1898, Nhà hát lớn được khởi công ngay và đến ngày 1 tháng 1 năm 1900 thì khánh thành. Nhà hát Sài Gòn giữ riêng nét đặc thù có một không hai. Tác giả của tòa kiến trúc này là các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret xây dựng năm 1900 theo lối kiến trúc “flamboyant” của thời Đệ tam cộng hòa Pháp. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị cho âm thanh và ánh sáng. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Đối diện Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là Phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút đông đảo người dân đến tham quan, thưởng lãm vào dịp cuối tuần.Thời Pháp thuộc, đường Nguyễn Huệ chính là kênh đào Chợ Vải dẫn từ bờ sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng ngày nay) vào tận dinh Xã Tây (nay là trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh). Dọc hai bờ kênh là hai con đường mà người Pháp đặt tên là Charner và Rigault. Năm 1887, Pháp cho lấp kênh và sát nhập hai con đường thành đại lộ Charner. Đại lộ Charner được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ vào năm 1956 và trở thành con đường đẹp nhất Sài Gòn thời đó.
Hiện đường Nguyễn Huệ đã được nâng cấp, cải tạo thành phố đi bộ có chiều dài 670m, rộng hơn 60m, gồm 2 phần với điểm nối là vòng xoay Cây Liễu. Phần công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tượng đài Bác Hồ bằng hợp kim đồng cao 7,2m, tư thế hướng mặt về sông Sài Gòn. Công viên được bố trí hồ sen, 2 hàng sứ trắng cùng nhiều hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu. Phần quảng trường Nguyễn Huệ gồm một trục đường đi bộ ở giữa lát đá granite dày 10cm, hai bên là hai làn đường dành cho phương tiện lưu thông. Ngăn cách giữa trục đường đi bộ và hai làn đường là những hàng cây xanh xen kẽ các bồn hoa. Trên các hàng cây lắp đặt hệ thống phun sương mở vào giờ nhất định để làm mát không khí, ngăn bụi và tạo độ ẩm cho cây phát triển. Quảng trường còn được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật, nhạc nước hiện đại, 2 khu tầng hầm bố trí trung tâm giám sát và điều khiển hệ thống camera, chiếu sáng, nhạc nước, nhà vệ sinh công cộng…
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi tổ chức các buổi diễu hành, mít tinh, lễ hội đường phố, đường hoa, hoạt động triển lãm văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật… của thành phố.