Chùa Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng năm 1760 với kiến trúc đặc trưng của người Hoa. Từ đó đến nay, dù đã trùng tu nhiều lần nhưng ngôi chùa vẫn còn giữ được phong cách vốn có góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa. Chùa Bà Thiên Hậu được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1993.

Chùa Bà Thiên Hậu có lối kiến trúc tam quan cách điệu với cửa vào ở chính giữa và hai hành lang. Đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc”. Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương. Trung tâm của ngôi chùa là chính điện có gian chính đặt thờ tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Tượng Bà được tạc từ một gỗ nguyên khối cao 1m, có từ trước khi xây chùa, vốn được thờ ở Biên Hòa và đến năm 1836 mới di chuyển về đây. Một nét đặc sắc của chùa Bà Thiên Hậu là các phù điêu bằng gốm được trang trí dày đặc từ trên nóc chùa, mái, hiên cho đến các bàn thờ, vách tường… Nóc chùa được trang trí hoa văn hình hoa lá, hình nhân bằng gốm sứ do hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Dần (1908). Trong sân chùa có hai con lân đá được chạm từ một khối đá nguyên.

Trong chùa Bà Thiên Hậu hiện còn khoảng 400 hiện vật cổ, trong đó có 7 pho tượng thần, 6 tượng đá, 9 bia đá, 2 chuông nhỏ, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 tranh nổi… Tất cả những cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế. Chùa Bà Thiên Hậu là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất và có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Chùa Ông

Đây không chỉ là nơi chiêm bái của người Hoa gốc Triều Châu ở vùng Sài Gòn, mà còn là một công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật ở nửa cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.

Trong miếu, vị thần được thờ chính là Quan Công. Vì vậy, miếu có tên là miếu Quan Đế. Tuy nhiên, ngôi thờ này thường được gọi là chùa Ông theo thói quen của nhiều người. Nguồn gốc của cái tên Hội Quán Nghĩa An như để tưởng nhớ về gốc gác của những người Hoa gốc Triều Châu. Xưa kia, họ sinh sống tại Nghĩa An, một vùng đất thuộc Quảng Đông, Trung Quốc.

Như phần lớn các đền miếu của người Hoa, miếu có kiến trúc tổng thể hình chữ khẩu. Sân miếu khá rộng, gần 2.000 mét vuông, chiếm hơn phân nửa diện tích khuôn viên. Phần còn lại gồm tiền điện, sân thiên tỉnh, nhà hương, chính điện và văn phòng hội quán dọc hai bên các điện thờ. Kiến trúc và trang trí ở miếu thể hiện rõ nét phong cách Trung Hoa, qua các tượng, phù điêu bằng gốm trên mái ngói hay các bông hoa chạm ngược, tượng kỳ lân, diềm gỗ, trên bộ vì kèo sơn màu đỏ thắm… Từ hai cổng lớn vào đến cửa miếu có năm cặp kỳ lân lớn nhỏ bằng đá đặt đối xứng nhau. Chính điện miếu, giữa có gian thờ Quan Thánh đế quân. Tượng Quan Đế cao 300cm, mặc áo gấm xanh, ngồi trên ngai, đặt trong khám thờ chạm viền nhiều lớp tùng – hạc, mai – điểu, mẫu đơn – trĩ, Bát tiên giao chiến thủy quái…

Văn bia chạm trên vách miếu cho biết miếu đã được trùng tu vào các năm 1866, 1901, 1966 và 1984. Dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng di tích này vẫn bảo tồn được một cách trọn vẹn nhất những nét văn hóa cổ xưa của người Trung Hoa tại Sài Gòn, một ngôi chùa nguy nga, cổ kính, mang những giá trị lớn về kiến trúc và nghệ thuật, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ở TP Hồ Chí Minh.

Thánh Đường Hồi Giáo Chợ Lớn

Thánh đường Hồi Giáo Chợ Lớn, phía đối diện với Chùa Ông. Thánh đường này được xây dựng năm 1932. Nhìn bên ngoài cánh cửa Thánh đường tưởng chừng khá đơn giản nhưng ngược lại bên trong lại là một kiến trúc lộng lẫy. Đặc biệt, du khách có thể thưởng thức những món ăn Hồi giáo ngay trong khuôn viên Thánh đường.